Ngày 21-10, lãnh đạo UBND TP Đồng Xoài (tỉnh Bình Phước), cho biết đang hoàn tất các thủ tục cần thiết để cưỡng chế đối với công trình “biệt phủ” sai phép tại khu phố Suối Cam, phường Tiến Thành, TP Đồng Xoài.
Hứa suông
Sau khi Báo Người Lao Động đăng bài phản ánh vào ngày 23-8-2024, UBND TP Đồng Xoài đã chỉ đạo các phòng, ban phối hợp cùng phường Tiến Thành vào cuộc xử lý, tháo dỡ công trình vi phạm. Tuy nhiên, ông Đỗ Ngọc Tám, chủ công trình (người mua lại đất của bà Nguyễn Thị Thanh Bình, ngụ TP Đồng Xoài) xin cam kết tự khắc phục hậu quả trong 30 ngày, kể từ ngày 23-8. Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động, đến ngày 21-10, chủ đầu tư chỉ tháo dỡ được mái ngói của 1 công trình nhà ở và 1 hồ thủy tạ, những công trình vi phạm khác vẫn không thực hiện khắc phục như cam kết.
Trước đó, UBND TP Đồng Xoài đã ban hành 3 quyết định xử phạt hành chính đối với bà Nguyễn Thị Thanh Bình với số tiền 38,5 triệu đồng về hành vi xây dựng công trình diện tích 384 m2 trên đất trồng cây lâu năm; xây vượt 223 m2 so với giấy phép xây dựng; xây dựng sai phép, vượt 33,6 m2 so với giấy phép xây dựng. Đồng thời, buộc chủ đầu tư phải khắc phục hậu quả. Tuy nhiên, hết thời hạn chủ đầu tư chỉ mới khắc phục được một phần nhỏ công trình vi phạm. Lý giải việc này, UBND TP Đồng Xoài cho hay việc kiểm tra gặp nhiều khó khăn vì chủ đầu tư luôn khóa kín cổng…
Còn tại tỉnh Bình Thuận, ngày 21-10, ông Giáp Hà Bắc, Chủ tịch UBND huyện Tánh Linh, xác nhận đến ngày 20-10 (mốc thời gian mà huyện Tánh Linh đặt ra cho ông Cao Thanh Sang, chủ đầu tư căn “biệt phủ” xây dựng trái phép trên khu đất làng nghề truyền thống làm gạch ngói ở xã Gia An, tự tháo dỡ) nhưng căn biệt thự vẫn chưa tháo dỡ xong. Thời gian tháo dỡ căn biệt thự sẽ tiếp tục được lùi lại cho đến ngày 30-10. Như vậy, đến nay, căn “biệt phủ” xây dựng trái phép đã 3 lần lùi thời hạn tháo dỡ. Trước đó, huyện Tánh Linh thống nhất phương án buộc tháo dỡ đến ngày 30-8-2024. Sau đó, dời lại đến ngày 20-10-2024. Nay tiếp tục dời đến 30-10-2024 với lý do để ông Cao Thanh Sang có thời gian chuẩn bị phương án, thiết bị, máy móc…
Tương tự, tại tỉnh Cà Mau, cuối năm 2022, cơ quan chức năng phát hiện ông Hồ An T. (ngụ xã Tân Thành, TP Cà Mau) xây dựng “biệt phủ” trên đất nuôi trồng thủy sản nên đề nghị tạm dừng thi công và yêu cầu tháo dỡ. Sau đó, UBND TP Cà Mau lại cho phép công trình trên tồn tại và chấp thuận cho ông T. chuyển đổi mục đích sử dụng đất… Tuy nhiên, mới đây, Sở Tư pháp tỉnh Cà Mau đề nghị chủ đầu tư khôi phục lại hiện trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm. Trường hợp ông T. không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ các biện pháp khắc phục hậu quả thì thực hiện thủ tục thu hồi đất theo quy định của pháp luật.
Vết sẹo đô thị
Theo luật sư Trương Văn Tuấn, Trưởng Văn phòng Luật sư Trạng Sài Gòn, tình trạng các công trình xây dựng sai phép, không phép mọc lên ngày càng nhiều, đặc biệt ở các thành phố lớn, đã trở thành một vấn đề nhức nhối trong xã hội. Đáng lo ngại hơn, việc các cơ quan chức năng chậm trễ trong phát hiện và xử lý những vi phạm này đã khiến cho nhiều công trình trái phép, không phép tồn tại dai dẳng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự đô thị, mỹ quan và thậm chí đe dọa đến an toàn của cộng đồng.
Thực tế cho thấy, không ít trường hợp các công trình xây dựng sai phép, không phép tồn tại trong thời gian dài, thậm chí nhiều năm, mới bị phát hiện và xử lý. Nguyên nhân của tình trạng này có thể do sự thiếu trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức trong việc thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát. Có thể do sự thiếu phối hợp giữa các cơ quan chức năng, dẫn đến việc xử lý chồng chéo, chậm trễ. Và cuối cùng cũng không thể loại trừ khả năng có sự bao che, dung túng của một số cá nhân, tổ chức.
Việc chậm trễ trong việc xử lý các công trình xây dựng sai phép, không phép không chỉ gây ra những hậu quả về mặt xã hội mà còn tạo ra những lỗ hổng trong pháp luật. Khi pháp luật không được thực thi nghiêm minh, nó sẽ tạo điều kiện cho những hành vi vi phạm khác tiếp tục diễn ra. Hơn nữa, việc xử lý thiếu quyết liệt đã khiến cho một số công trình sai phạm vẫn còn tồn tại, gây bức xúc trong dư luận và làm giảm lòng tin của người dân vào cơ quan nhà nước.
Một thực tế đáng buồn là, nhiều khi phải nhờ đến sự vào cuộc của báo chí và dư luận xã hội, các vụ việc xây dựng sai phép mới được đưa ra ánh sáng và cơ quan chức năng mới bắt tay vào xử lý.
Cũng theo luật sư Trương Văn Tuấn để giải quyết vấn đề này, cần có những giải pháp đồng bộ và quyết liệt. Trước hết, cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng. Cần hoàn thiện hệ thống pháp luật, tăng cường các biện pháp xử phạt đối với các hành vi vi phạm trong lĩnh vực xây dựng. Cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho người dân, giúp người dân hiểu rõ quyền và nghĩa vụ của mình trong việc bảo vệ trật tự đô thị. Cuối cùng, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng, giữa chính quyền và người dân trong việc giải quyết vấn đề này. Mỗi người dân cần có ý thức trách nhiệm, cùng nhau giám sát và tố cáo các hành vi vi phạm pháp luật. Chỉ khi có sự chung tay của cả xã hội, chúng ta mới có thể xây dựng được một môi trường sống văn minh, hiện đại.