Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Quyết định số 1250/QĐ-TTg thành lập Ban chỉ đạo về rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án (Ban chỉ đạo). Một trong những nhiệm vụ của Ban chỉ đạo là tổng hợp khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án theo các nhóm vấn đề cụ thể, xác định thẩm quyền xử lý của các cấp có liên quan; chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án thuộc thẩm quyền của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương…
Ngoài ra,Ban chỉ đạo có trách nhiệm xem xét, chỉ đạo sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật liên quan thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, báo cáo cấp có thẩm quyền đối với những vấn đề vượt thẩm quyền.
Trước đó, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Trung ương về chính sách nhà ở và thị trường Bất động sản diễn ra ngày 24/10, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà cũng khẳng định rằng, một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến cung cầu thị trường bất động sản là vướng mắc từ các dự án, đất đai trong kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án. Vì vậy, các địa phương phải khẩn trương rà soát toàn bộ, phân loại và chỉ rõ biện pháp xử lý thuộc trách nhiệm, thẩm quyền của Trung ương, của địa phương.
Quyết định thành lập Ban chỉ đạo trong bối cảnh thị trường bất động sản đối mặt với khó khăn gần 2 năm trở lại đây khiến hàng trăm doanh nghiệp phá sản mỗi tháng. Nhiều doanh nghiệp còn tồn tại trên thị trường đều xác định tinh thần bị lỗ, hoặc lợi nhuận giảm mạnh. Hàng trăm dự án bị đình truệ, thị trường tắc nghẽn nguồn cung.
PGS.TS Trần Đình Thiên, thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng từng nhận định khó khăn về vốn, vướng mắc về pháp lý là nguyên nhân chính, khiến nhiều doanh nghiệp lâm vào tình trạng “kiệt quệ”. “Đặt bất động sản trong nền kinh tế nói chung có thể thấy, những năm qua, số lượng doanh nghiệp rời khỏi thị trường luôn nhiều hơn doanh nghiệp mới được thành lập, đặc biệt với doanh nghiệp đầu tư kinh doanh BĐS”, ông Thiên nhận định.
Đánh giá về những tác động từ sự khó khăn của thị trường bất động sản đến nền kinh tế, TS Nguyễn Văn Đính – Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam – cho rằng: “Sự tắc nghẽn trên thị trường BĐS vô hình chung cũng khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh các doanh nghiệp của ngành nghề liên quan khác bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Làn sóng thất nghiệp cũng lan rộng từ bất động sản sang rất nhiều ngành nghề, gây ảnh hưởng rất lớn tới vấn đề an sinh xã hội nói chung”.
Trong bối cảnh thị trường bất động sản vẫn còn khó khăn, sức khỏe các doanh nghiệp vẫn yếu, trước đó, Chính phủ cũng đã ban hành nhiều nghị quyết, công văn gỡ vướng nhưng thực tế kết quả vẫn chưa được như mong đợi. Vì thế, việc thành lập Ban chỉ đạo cho thấy sự sốt ruột và quyết liệt của Chính phủ trong việc khơi thông những nút thắt đang khiến các nguồn lực bị “đóng băng”, gây ảnh hưởng đến tăng trưởng, đến sức khỏe của doanh nghiệp và niềm tin của nhà đầu tư trong và nước ngoài trên thị trường.
Theo đánh giá của giới chuyên môn việc thành lập Ban chỉ đạo tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản Việt Nam hiện nay là kịp thời và cần thiết nhằm tháo gỡ khó khăn về pháp lý, khơi thông nguồn cung, góp phần hạ nhiệt giá nhà.
Chủ tịch một Tập đoàn bất động sản lớn cho biết: “Rất cần thiết sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ. Hiện nay, thị trường bất động sản mới chỉ sôi động co cụm tại thị trường Hà Nội, còn các thị trường khác vẫn chìm trong khó khăn. Phải thúc đẩy sự phát triển ổn định của cả thị trường, gia tăng nguồn cung, có như thế mới giải quyết được tận gốc khó khăn, giúp thị trường phát triển ổn định, hạ giá nhà”.
Còn theo đánh giá của ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM: “Tôi rất hoan nghênh Quyết định số 1250 của Thủ tướng Chính phủ. Quyết định mang tính kịp thời, khẩn trương để giải quyết những khó khăn tồn đọng lâu dài của của thị trường. Sự ra đời của Ban Chỉ đạo cho thấy tất cả các chủ thể chung tay tháo gỡ khó khăn để thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững”.
“Tôi rất ấn tượng trong việc đột phá về thể chế của Chính phủ, thể hiện rất rõ trong suốt thời gian qua. Chưa bao giờ Chính phủ dành thời gian hàng tháng để họp chuyên đề về pháp luật, dưới sự chủ trì Thủ tướng Chính phủ. Chúng tôi cũng rất hoan nghênh Chính phủ đã giao các bộ, ngành thực hiện xây dựng 3 dự thảo Luật. Chúng ta mong tất cả các cơ quan quản lý phối hợp để tháo gỡ hơn 500 dự án để tăng cung, giảm giá nhà, đồng thời thực hiện được mục tiêu 1 triệu căn nhà ở xã hội mà Chính phủ đã phát động”, ông Châu khẳng định.
Trước đó, theo Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Đức Tâm, nếu tháo gỡ thị trường bất động sản thì có thể tạo động lực tăng trưởng cho khoảng 60 ngành, nghề liên quan.