Kết quả đấu giá đã giảm nhiệt
UBND huyện Hoài Đức (Hà Nội) thông tin, ngày 4/11, Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện vừa phối hợp với Công ty Đấu giá hợp danh Lạc Việt tổ chức đấu giá thành công 20 thửa đất (LK01 và LK02) tại khu xứ đồng Lòng Khúc, xã Tiền Yên. Đây là 20 thửa đất theo kế hoạch đấu giá vào ngày 26/8/2024 nhưng phải tạm dừng để thực hiện kiểm tra, rà soát theo yêu cầu Công điện số 82 (ngày 21/8/2024) của Thủ tướng Chính phủ nhằm kịp thời chấn chỉnh việc đấu giá quyền sử dụng đất, đảm bảo tính minh bạch và ngăn chặn hiện tượng tiêu cực “đầu cơ”, “thổi giá”.
Đáng chú ý, phiên đấu giá lần này chỉ có hơn 100 khách hàng tham gia. Trong khi đó, cũng tại dự án này, phiên đấu giá ngày 19/8 đã tạo sức “nóng” trên địa bàn Thủ đô với hơn 400 người đăng ký mua 700 hồ sơ đấu giá 19 thửa đất.
Ghi nhận khu vực bên ngoài hội trường tổ chức đấu giá ngày 4/11 tương đối vắng vẻ, không có nhiều người tụ tập, môi giới nghe ngóng thông tin hay rao bán bất động sản như phiên đấu giá đợt trước cũng như một vài phiên đấu giá tại các huyện ven đô thời gian gần đây. Hay ở ngoài thực địa khu đất đấu giá và các khu vực lân cận, không còn cảnh tấp nập nhân viên môi giới chào bán các suất trúng đấu giá.
Giá khởi điểm vẫn được giữ nguyên như đợt đấu giá trước (7,3 triệu đồng/m2), phương thức đấu giá 6 vòng đấu bắt buộc (mỗi vòng có mức chênh lệch tối thiểu 6 triệu đồng). Phiên đấu giá kết thúc với mức giá trúng cao nhất 103,3 triệu đồng/m2, tăng hơn 14 lần giá khởi điểm; thửa đất trúng giá thấp nhất 85,3 triệu đồng/m2, tăng gần 12 lần giá so với giá khởi điểm. Như vậy, so với phiên đấu giá 19 thửa đất ngày 19/8 có giá trúng cao nhất hơn 133 triệu đồng/m2. Kết quả đấu giá lần này đã “giảm nhiệt” cả về giá và số lượng người tham gia.
Tuy nhiên, theo ý kiến của một số nhà đầu tư, mức giá trúng trên tại huyện Hoài Đức cũng như một số quận, huyện Hà Đông, Thường Tín, Phúc Thọ… vẫn cao so với mặt bằng chung của khu vực. Việc giảm số người tham gia tại phiên đấu giá lần này có thể do các lô đất trúng đấu giá đợt trước không giao dịch hiệu quả. Đặc biệt, khi Chính phủ và các cơ quan, ban, ngành đang đưa ra hàng loạt giải pháp nhằm kiểm soát, ngăn chặn tình trạng “đầu cơ”, “thổi giá” làm lũng đoạn thị trường bất động sản khiến nhiều nhà đầu tư lo ngại, thận trọng hơn.
Nguyên nhân tăng giá bất động sản thời gian cũng được chỉ ra do tác động bởi một số yếu tố như biến động tăng đối với chi phí liên quan đến đất đai
Những giải pháp ổn định thị trường bất động sản
Dự kiến, ngày 11/11, huyện Hoài Đức tiếp tục đấu giá 32 thửa đất (LK05 và LK06) cũng tại khu xứ đồng Lòng Khúc, xã Tiền Yên. Các thửa đất có diện tích từ 97 đến 172 m2; khoản tiền đặt trước mỗi thửa dao động từ 142 – 251 triệu đồng. Giá khởi điểm 7,3 triệu đồng/m2.
Việc thị trường thiếu nguồn cung mới và Luật Kinh doanh bất động sản năm 2023 cấm phân lô, bán nền tại 105 đô thi, đặc biệt quy định nâng diện tích tối thiểu khi tách thửa từ ngày 7/10/2024 tại Hà Nội đã tạo ra sức hút cho dòng sản phẩm đấu giá. Tuy nhiên, việc tài sản nhà đất tập trung quá nhiều vào nhóm người “đầu cơ” đã gây ra xung đột lớn với đại bộ phận người dân lao động khi nguồn lực tài chính hạn hẹp, khó có khả năng sở hữu nhà ở tại Thủ đô.
Nguyên nhân tăng giá bất động sản thời gian cũng được chỉ ra do tác động bởi một số yếu tố như biến động tăng đối với chi phí liên quan đến đất đai. Căn hộ chung cư bình dân có mức giá bán dưới 25 triệu đồng/m2 gần như không có giao dịch và sản phẩm để bán. Căn hộ chung cư trung cấp có mức giá khoảng 25 triệu đồng/m2 đến dưới 50 triệu đồng/m2 vẫn chiếm tỷ trọng cao về giao dịch và nguồn cung trên thị trường; căn hộ chung cư cao cấp, siêu cao cấp có mức giá trên 50 triệu đồng/m2.
Tương tự, phân khúc biệt thự, nhà liền kề thuộc dự án vẫn tiếp tục tăng với hầu hết dự án mở bán mới đều có lợi thế về vị trí, cơ sở hạ tầng, do đó mức giá chào bán sơ cấp tương đối cao. Tính riêng quý III/2024, giá bán trung bình thứ cấp của nhà ở gắn liền với đất tại Hà Nội đạt khoảng 160 triệu đồng/m2, tăng 3% theo quý và gần 7% theo năm. Điển hình, một số dự án tại Đông Anh và Long Biên có mức tăng giá thứ cấp cao hơn (khoảng 5% theo quý)…
Hiện, Chính phủ, các bộ, ngành đã khẩn trương ban hành văn bản quy định chi tiết các Luật: Đất đai năm 2024, Nhà ở năm 2023, Kinh doanh bất động sản năm 2023. Các địa phương cũng đang gấp rút hoàn thiện các văn bản hướng dẫn theo thẩm quyền.
Về phía Hà Nội, chính quyền địa phương đã chủ động có những giải pháp ổn định thị trường bất động sản. Giai đoạn 2026-2030, trên cơ sở rà soát lại quỹ đất, Hà Nội sẽ tập trung đôn đốc các doanh nghiệp thực hiện; rà soát tháo gỡ khó khăn vướng mắc liên quan đến thủ tục đầu tư, thu hồi đất, giao đất, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính, bố trí vốn linh hoạt vốn với các dự án đầu tư mà thành phố giao cho sở, quận, huyện lập chủ trương đầu tư.
Cùng với việc tăng cường quản lý, Hà Nội sẽ sớm đầu tư xây dựng các căn hộ chung cư phù hợp với thu nhập của người dân. Đồng thời, yêu cầu ngành chức năng và địa phương triển khai thực hiện đồng bộ các biện pháp nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế trong đấu giá quyền sử dụng đất, tạo ra một thị trường đấu giá công khai, minh bạch, đáp ứng nhu cầu sở hữu nhà đất của nhiều người dân có nhu cầu ở thực.