author
Call Us: 0898088989

Đề xuất tuyến đường sắt nhẹ LRT từ TPHCM tới thẳng cửa khẩu quốc tế Mộc Bài

  • Thắng Nhơn Trạch bởi Thắng Nhơn Trạch
  • 3 tuần trước
  • Tin mới
  • 0

Đề xuất tuyến đường sắt nhẹ LRT từ TPHCM tới thẳng cửa khẩu quốc tế Mộc Bài- Ảnh 1.

Tuyến đường sắt nhẹ LRT đã đến Tây Ninh, nên đi thẳng tới Mộc Bài

3 thập kỷ trước Philippines, Singapore, Malaysia…đã có đường sắt nhẹ (LRT). Nhật Bản, Trung Quốc và các nước châu Âu hiện vẫn tiếp tục phát triển các tuyến LRT mới. Hệ thống đường sắt nhẹ (LRT) sở hữu nhiều ưu việt, được xây dựng với đa dạng loại hình chạy trên cao, mặt đất và chạy ngầm, không cần xây rào chắn giúp tối ưu chi phí đầu tư. Một báo cáo của Canada đã chỉ ra chi phí đầu tư cho LRT chỉ bằng gần nửa so với tàu điện ngầm. Bên cạnh đó, LRT còn có thể kết hợp được các trải nghiệm du lịch ngắm cảnh.

Tại Việt Nam, cả 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đều đã đề cập đến LRT trong quy hoạch hệ thống đường sắt đô thị nhưng được phân kỳ đầu tư vào giai đoạn sau, khi hệ thống MRT đã hình thành. Tuy nhiên theo các chuyên gia, để giảm tải cho hạ tầng đường bộ, chạy đua với các cam kết Net Zero, phục vụ tốt nhất nhu cầu đi lại của người dân, mô hình LRT cần sớm được triển khai. Đặc biệt là đầu tàu của cả nước như TP.HCM bởi đang đối mặt với áp lực lớn về hạ tầng giao thông đô thị và liên kết vùng.

Mới đây, đề xuất của Sun Group về tuyến đường sắt nhẹ gần 100km kết hợp đại lộ 8-10 làn xe chạy dọc sông Sài Gòn, kết nối TP. Hồ Chí Minh – Tây Ninh đang mở ra kỳ vọng về giai đoạn phát triển mạnh mẽ loại hình giao thông ưu việt này. Dự án nếu được đưa vào quy hoạch để triển khai sớm sẽ không chỉ giúp việc đi lại, giao thương của người dân TP.HCM với Tây Ninh và các tỉnh dọc sông Sài Gòn thuận lợi, mà còn thúc đẩy phát triển kinh tế, du lịch, dịch vụ, vận tải, logistics…

Theo đánh giá của các chuyên gia, nếu làm thêm 20 – 30 km nữa, đưa cả tuyến đại lộ 8 – 10 làn xe và đường sắt nhẹ kết nối TP.HCM – Tây Ninh chạy đến thẳng cửa khẩu quốc tế Mộc Bài sẽ tạo thêm sức bật mạnh mẽ để phát triển du lịch, thông thương, thu hút đầu tư quốc tế cho TPHCM, Tây Ninh và toàn vùng Đông Nam Bộ. Vì thế, cần có cơ chế mở cửa, khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp cùng tham gia đầu tư, xây dựng các công trình hạ tầng giao thông đột phá, có ý nghĩa kinh tế – xã hội lớn như vậy.

Ủng hộ phương án đề xuất của Sun Group, KTS.Vũ Xuân Thao – Ủy viên Ban chấp hành Hội Kiến trúc sư TPHCM cho rằng, LRT là xu hướng của thế giới. Khi TPHCM xây dựng tuyến LRT sẽ là đầu tàu tiên phong về quy hoạch đô thị, đồng thời mở ra cơ hội lớn cho giao thông kết nối, phát triển cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, mang đến lợi ích lớn về kinh tế – xã hội, nâng cao chất lượng sống cho người dân.

“Để đáp ứng vai trò đô thị trung tâm cấp quốc gia của TPHCM và cũng là đô thị hạt nhân của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, hệ thống mạng lưới giao thông kết nối liên vùng của TPHCM cần được đầu tư xứng tầm, phát huy “đa phương thức vận tải” với những loại hình tân tiến, hiện đại nhất. Tuyến đường sắt LRT chạy bằng điện sẽ là một trong những giải pháp hiệu quả để phát triển giao thông xanh trong giai đoạn hiện nay”, KTS.Vũ Xuân Thao cho biết.

“Hợp lực” giao thông để phát triển cả Vùng, kết nối quốc tế

KTS.Vũ Xuân Thao cũng ủng hộ kéo dài thêm 20-30km kết nối thẳng tới cửa khẩu quốc tế Mộc Bài để hợp thành hệ thống giao thông xuyên suốt, kết nối quốc tế. Đây sẽ là tiền đề để thực hiện tuyến đường sắt cao tốc Xuyên Á hướng từ TP.HCM qua Mộc Bài nối tới Phnom Penh (Campuchia), sang Bangkok (Thái Lan) tạo nên bước đột phá cho giao thông lẫn du lịch.

Đồng tình với quan điểm này, PGS.TS Trần Đình Thiên phân tích: “Nếu tuyến đường được mở rộng thì đây là cách tiếp cận hạ tầng đi trước đúng với cách đặt vấn đề của Trung ương, của Chính phủ. Thứ hai, nếu tuyến đường thông được sang với Campuchia, thì lợi ích theo nghĩa giao lưu hàng hóa và phát triển tầm khu vực ASEAN sẽ mạnh hơn, tính liên quốc gia còn tốt hơn nữa. Chúng ta biết rằng, tuyến đường tới Tây Ninh qua cửa khẩu tới Campuchia, về tính kết nối còn thông suốt tới Bà Rịa Vũng Tàu, tới Đồng Nai. Từ đó khái niệm là trung chuyển quốc tế của sân bay Long Thành cũng như cảng biển lập tức tăng vượt lên.”

PGS.TS Trần Đình Thiên nhấn mạnh, cửa khẩu Mộc Bài là cửa khẩu quốc gia được định hình như một khu kinh tế. Tây Ninh đã có nhiều thảo luận để phát triển khu vực này, tuy nhiên hiện có phần nào đó bị lắng xuống. Với tuyến đường này nếu có thể triển khai thông suốt sẽ tạo điều kiện rất tốt cho sự phát triển của Tây Ninh cũng như của cả Vùng.

Được biết, hiện nay Quốc lộ 22 -tuyến đường huyết mạch, độc đạo từ TP.HCM đi Tây Ninh nhỏ hẹp, xuống cấp, có nhiều đường nhánh, giao lộ, xe cộ ra vào liên tục, thường xuyên bị ngập nặng mỗi khi trời mưa. Trong khi đó, kinh tế, du lịch phát triển khiến lưu lượng phương tiện di chuyển hai chiều TP.HCM – Tây Ninh ngày càng tăng nhanh.

Đặc biệt, hiện cửa khẩu Mộc Bài là cửa khẩu đường bộ lớn nhất ở phía Nam giữa Việt Nam và Campuchia, và là cửa ngõ quốc tế tới các nước trong khu vực ASEAN. Chính vì vậy, quy hoạch giao thông từ TPHCM – Mộc Bài cần nằm trong chiến lược quốc gia, phải được đưa vào quy hoạch.

Hiện nay, quy hoạch đường sắt quốc gia cũng đã có tuyến đường sắt TP.HCM – Lộc Ninh nối tới Mộc Bài nhưng đó là một hướng vòng. Tuyến TP.HCM – Tây Ninh tới Mội Bài là con đường ngắn nhất, kết nối thuận tiện nhất, nên được nghiên cứu triển khai.

Không chỉ có tuyến TPHCM – Tây Ninh quá tải, hiện nay kết nối TPHCM đến các tỉnh vẫn đang là vấn đề “nóng” cần giải quyết khi đường bộ quá tải, đường sắt phát triển chậm chạp, đường thủy dọc sông Sài Gòn manh mún khiến việc kết nối liên tỉnh, trong Vùng muôn vàn khó khăn…Đây cũng là vấn đề thách thức trong bối cảnh TP.HCM chủ trương hướng đến giao thông xanh, chú trọng phát triển các phương tiện giao thông công cộng (xe buýt, buýt sông, tàu điện,…), hướng tới mục tiêu đô thị toàn cầu tương lai.

Tham gia thảo luận

Compare listings

So sánh