Theo quy hoạch Thủ đô 2030 – 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt giữa tháng 12 vừa qua, trục sông Hồng sẽ là một trong 5 trục không gian phát triển đô thị quan trọng của Hà Nội. Dự kiến, tổng cộng có 18 cây cầu cả hiện hữu và sẽ được xây dựng trong tương lai nối đôi bờ sông Hồng.
Ngày 31/12/2024, Phó chủ tịch UBND thành phố Dương Đức Tuấn ký quyết định phê duyệt dự án xây dựng cầu Thượng Cát và đường hai đầu cầu nối quận Bắc Từ Liêm với huyện Đông Anh. Đây là cơ sở để dự án có thể triển khai vào cuối năm nay.
Cầu Thượng Cát có tổng chiều dài hơn 5,2km, được thiết kế với 8 làn xe (6 làn xe cơ giới và 2 làn thô sơ), bề rộng cầu chính 35m, cầu dẫn 31m; đường dẫn phía Nam có mặt cắt ngang điển hình 60m, (6 làn xe cơ giới, 2 làn thô sơ trên chính tuyến, và 2 đường song hành). Đường dẫn phía Bắc có mặt cắt ngang điển hình là 50m (4 làn xe cơ giới, 2 đường song hành).
Theo phương án, vị trí đã được UBND TP Hà Nội phê duyệt, điểm đầu dự án nằm tại nút giao với đường Kỳ Vũ, phường Thượng Cát, quận Bắc Từ Liêm. Điểm cuối nằm tại nút giao với đường 23B, thuộc xã Đại Mạch, huyện Đông Anh. Tổng mức đầu tư của dự án này hơn 7.200 tỷ đồng .
Bên cạnh cầu Thượng Cát, 3 cây cầu Tứ Liên, Trần Hưng Đạo và Ngọc Hồi cũng vừa được chủ tịch UBND thành phố giao các đơn vị liên quan hoàn thành thủ tục để phê duyệt chủ trương đầu tư ngay trong tháng 1 và tháng 2/2025. Đây là 3 công trình đóng vai trò quan trọng trong hệ thống giao thông cả đối nội và đối ngoại của Thủ đô, kết nối với các tỉnh thành lân cận.
Cụ thể, dự án cầu Tứ Liên sẽ nằm giữa cầu Nhật Tân và cầu Long Biên, nối phường Yên Phụ, Tứ Liên (quận Tây Hồ) với huyện Đông Anh; kết nối từ tuyến đường trục chính đô thị quy hoạch dọc đê Hữu Hồng với quốc lộ 5 kéo dài, thuộc địa bàn quận Tây Hồ, quận Long Biên và huyện Đông Anh.
Theo kế hoạch, cầu Tứ Liên có chiều dài toàn tuyến là 11,5km. Bao gồm: cầu chính và đường dẫn 2 đầu cầu dài khoảng 5,5km; đường nối đến cầu trên địa bàn huyện Đông Anh dài khoảng 6km. Tổng mức đầu tư ước tính là 22.000 tỷ đồng .
Đặc biệt đối với dự án này, UBND TP. Hà Nội đã phân công Phó chủ tịch UBND TP. Hà Nội Dương Đức Tuấn làm việc với Tập đoàn xây dựng Thái Bình Dương (Trung Quốc) và Tập đoàn Vingroup để trao đổi, thống nhất phương án đầu tư xây dựng cầu Tứ Liên đảm bảo khả thi, hiệu quả, sớm triển khai xây dựng.
Khi gửi đề xuất lên UBND TP. Hà Nội về việc tham gia đầu tư xây dựng dự án, Vingroup cam kết sẽ hoàn thành cầu Tứ Liên đúng tiến độ và chất lượng.
Ngành GTVT Thủ đô cũng kỳ vọng dự án cầu Tứ Liên sẽ được thông qua chủ trương đầu tư trong quý 1/2025, phê duyệt phương án và lựa chọn đơn vị thực hiện vào quý 2/2025 và dự kiến quý 3/2025 sẽ khởi công.
Cầu Trần Hưng Đạo có vị trí xây dựng ở giữa cầu Chương Dương và cầu Vĩnh Tuy. Phía trung tâm thành phố, chân cầu dự kiến tại khu vực ngã 5 phố Trần Hưng Đạo – Trần Thánh Tông. Phía Long Biên, điểm cuối tại khu vực giao cắt với Quốc lộ 5A (đường Nguyễn Văn Linh).
Thông tin từ đơn vị thực hiện dự án, tổng diện tích đất phục vụ dự án khoảng 75,5ha. Cầu được xây dựng vĩnh cửu với quy mô 6 làn xe cơ giới, 2 làn xe đạp, 2 làn đi bộ, tốc độ thiết kế 80km/h.
Dự án có tổng mức đầu tư hơn 16.300 tỷ đồng , do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội làm chủ đầu tư. Theo phương án được lựa chọn, cầu chính dài 900 m, gồm 6 nhịp, tổng chiều dài cầu và đường dẫn hai đầu khoảng 5,6 km.
Cầu Ngọc Hồi có chiều dài 13,8 km, quy mô 6 làn xe cơ giới, 2 làn hỗn hợp. Vị trí 2 đầu nằm trên địa bàn huyện Thanh Trì (Hà Nội) và xã Văn Đức, huyện Gia Lâm (Hà Nội). Liền kề với xã Văn Đức là thị trấn Văn Giang, huyện Văn Giang (tỉnh Hưng Yên). Dự án cầu Ngọc Hồi bắc qua sông Hồng dự kiến 4.880 tỷ đồng .
Hai cây cầu Mễ Sở và Hồng Hà thuộc dự án đường Vành đai 4 cũng sẽ được thành phố ưu tiên và cần thiết triển khai sớm, cho đồng bộ với hệ thống đường song hành dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2025.
Dự án cầu Mễ Sở được thiết kế với chiều dài khoảng 13,8 km, rộng 17m và tổng kinh phí ước tính là 4.881 tỷ đồng .
Cầu Hồng Hà có tổng mức đầu tư khoảng 9.800 tỷ đồng , chiều dài cầu và đường dẫn khoảng 6 km.