Trong bài viết “Chống lãng phí” mới đây, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm yêu cầu cần quyết liệt chống lãng phí, coi đó là nhiệm vụ quan trọng bên cạnh cuộc chiến chống tham nhũng.
Tại Hà Nội, những dự án ngưng trệ không chỉ gây thiệt hại kinh tế, lãng phí tài nguyên mà còn để lại nhiều hệ lụy về môi trường, mỹ quan đô thị, đời sống người dân cũng bị ảnh hưởng
Thanh tra Chính phủ (TTCP) vừa công bố kết luận thanh tra về việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ sản xuất – kinh doanh sang kinh doanh đất, xây dựng nhà giai đoạn 2011-2019 của doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp cổ phần hóa.
Hơn 1 thập kỷ bỏ trống “đất vàng”
Kết luận thanh tra chỉ ra một loạt dự án được giao đất nhưng nhiều năm không triển khai xây dựng, gây lãng phí rất lớn.
Điển hình là dự án nhà ở cao tầng, văn phòng, dịch vụ tại khu đất 2.291 m2 số 120 Hoàng Quốc Việt, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội, được giao đất từ năm 2012. TTCP cho hay việc một số người dân lấn chiếm khu đất, vi phạm nghiêm trọng quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai nhưng chưa được cơ quan liên quan xử lý dứt điểm, gây nguy cơ thất thoát quyền sử dụng đất.
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động, khu “đất vàng” nằm ở địa điểm sầm uất nêu trên hiện được quây hàng rào xung quanh bằng tôn. Một số biển hiệu được gắn phía mặt tiền khu đất cho thấy có quán bán đồ ăn, quán bán đồ uống. Phía ngoài hàng rào còn gắn biển “Rửa ô tô – xe máy” và bên trong hàng loạt ô tô chờ rửa.
Cũng tại quận Cầu Giấy, dự án Tháp tài chính quốc tế IFT ở nút giao Nguyễn Chánh – Trần Duy Hưng từ năm 2013 được cấp phép quy hoạch cao 34 tầng, công năng chính là văn phòng cao cấp, trung tâm thương mại. Thế nhưng, hình ảnh hiện tại vẫn là hàng rào tôn quây kín.
Nơi đắc địa thành điểm tập kết rác
Tình trạng lãng phí diễn ra khá phổ biến khi hàng loạt dự án nhà ở tái định cư bị bỏ hoang nhiều năm, trong lúc nhu cầu về nhà ở của người dân tại TP Hà Nội không nhỏ. Tại quận Hoàng Mai, dù đã được hoàn thiện từ năm 2017 nhưng đến nay, khu tái định cư Đền Lừ III vẫn trong tình cảnh bị lãng quên với một số hạng mục xuống cấp. Nơi đây trở thành điểm tập kết rác thải, phế liệu.
Theo tìm hiểu của phóng viên, vị trí đắc địa này nằm sát mặt đường Tân Mai, giao thông rất thuận tiện, đối diện hồ Đền Lừ với cảnh quan khá lý tưởng. Anh Trần Việt Hùng (ở khu hồ Đền Lừ) bày tỏ băn khoăn khi một tòa chung cư lớn như vậy lại bị bỏ hoang nhiều năm, tàn tạ trong bối cảnh nhiều người đang thiếu nhà ở. “Cơ quan nhà nước cần có giải pháp để giải quyết triệt để tình trạng này, tránh để quá lâu rồi dự án xuống cấp nghiêm trọng, thiệt hại tài sản sẽ là rất lớn” – anh Hùng lo ngại.
Dự án đầu tư xây dựng nhà ở chung cư cao tầng phục vụ di dân giải phóng mặt bằng – N01 tại ô đất D17 Khu Đô thị mới Cầu Giấy (số 1 phố Duy Tân, phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội) – có quy mô 15 tầng với 299 căn hộ cũng trong tình cảnh tương tự khu tái định cư Đền Lừ III. Ngay mặt đường Phạm Hùng, tòa nhà cao 31 tầng trên lô đất rộng gần 8.500 m2 mang tên Trung tâm Điều hành và Giao dịch của Tổng Công ty Xi măng Việt Nam khởi công năm 2011 đến giờ cũng dang dở…
Lãng phí nguồn lực rất lớn
Tại Hà Nội, hàng loạt tuyến đường được phê duyệt nhiều năm cũng đang bị chậm tiến độ, như Dự án đường Vành đai 2,5; Dự án đường Vành đai 1, đoạn Hoàng Cầu – Voi Phục (giai đoạn 1); Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 6 đoạn Ba La – Xuân Mai…
Những dự án chậm triển khai trên địa bàn Hà Nội không chỉ gây thiệt hại về kinh tế, lãng phí tài nguyên mà còn để lại hệ lụy rất lớn đối với môi trường, mỹ quan đô thị của thành phố. Bên cạnh đó, đời sống người dân cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Dưới góc nhìn chuyên gia, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng tình trạng nhiều dự án ngưng trệ, các khu “đất vàng” nhiều năm bị bỏ hoang gây lãng phí nguồn lực vô cùng lớn. Điều này diễn ra khá phổ biến ở các thành phố lớn, đặc biệt là Hà Nội và TP HCM.
Chuyên gia kinh tế này nhìn nhận đất đai là một nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế – xã hội song công tác quản lý, sử dụng chưa bảo đảm để phát huy. Ông Đinh Trọng Thịnh cũng băn khoăn về trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước trong việc xử lý triệt để tình trạng để hoang hóa “đất vàng”.
(còn tiếp)
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm vừa có bài viết “Chống lãng phí”. Bài viết khẳng định kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí góp phần đưa công cuộc đổi mới đạt nhiều thành tựu vĩ đại. Các nguồn nhân lực, vật lực, tài lực được huy động, quản lý và sử dụng tốt, bảo đảm quốc phòng – an ninh, đối ngoại, an sinh xã hội, phúc lợi xã hội của đất nước.
Tuy nhiên, lãng phí còn diễn ra khá phổ biến, dưới nhiều dạng thức khác nhau, đã và đang gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng cho việc phát triển đất nước.
Một số dạng thức của lãng phí nổi lên hiện nay như: chất lượng xây dựng, hoàn thiện pháp luật chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn công cuộc đổi mới; lãng phí thời gian, công sức của doanh nghiệp, cá nhân khi thủ tục hành chính rườm rà, dịch vụ công trực tuyến chưa thuận tiện và thông suốt… Đó còn là lãng phí cơ hội phát triển của địa phương, của đất nước do bộ máy nhà nước có nơi, có lúc hoạt động chưa hiệu quả; một bộ phận cán bộ nhũng nhiễu, thiếu năng lực, né tránh, đùn đẩy công việc, sợ trách nhiệm.
Lãng phí tài sản công do quản lý, sử dụng chưa hiệu quả, trong đó có việc giải ngân vốn đầu tư công; cổ phần hóa, xử lý thoái vốn của các doanh nghiệp nhà nước; sắp xếp lại, xử lý nhà đất thuộc sở hữu nhà nước; các dự án sử dụng nhiều tài nguyên đất và nước… là những dạng thức tiếp theo.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cũng nêu ra những giải pháp về sửa đổi chính sách để giám sát, kiểm tra, phát hiện, xử lý mạnh, có tính răn đe đối với các hành vi lãng phí.
“Hồi sinh” hàng trăm công trình
Với riêng dự án vốn ngoài ngân sách, thông tin của các đơn vị chức năng ở TP Hà Nội cho hay trên địa bàn từng có 712 dự án chậm tiến độ, chậm triển khai. Nhiều dự án còn “nằm trên giấy” từ 10-20 năm, gây lãng phí nguồn lực đất đai, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, sinh hoạt của người dân.
Trong số này, Khu Công viên văn hóa – thể thao quận Hà Đông 90 ha được phê duyệt năm 1998 song chỉ là một bãi đất trống được quây tôn tứ phía. Ngoài ra, nhiều dự án công trình công cộng vướng quy hoạch treo có thể kể đến như: dự án Công viên văn hóa, thể thao, vui chơi Đống Đa trên khu đất “vàng” 7 ha… Đến nay, thông qua quá trình giải quyết, 410/712 dự án đã được đưa ra khỏi danh sách các dự án chậm triển khai, tiếp tục giám sát theo quy định của pháp luật…