Không chỉ là hồ chứa nhân tạo lớn nhất nước với diện tích mặt nước lên tới 8.000ha, hồ Hoà Bình còn là một điểm đến du lịch tiềm năng, với những dãy núi đá vôi và các bản làng truyền thống của người Mường và Thái soi bóng mặt hồ trong xanh.
Với tiềm năng du lịch to lớn, từ năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia hồ Hoà Bình đến năm 2030, với diện tích vùng lõi 1.200ha và nhu cầu buồng lưu trú đến năm 2030 khoảng 800 buồng.
Tuy nhiên, chỉ 5 năm sao, bản quy hoạch xây dựng chung khu du lịch quốc gia hồ Hoà Bình được thông qua với những mục tiêu tham vọng lớn hơn rất nhiều. Theo đó, hồ Hoà Bình sẽ được phát triển trở thành một khu du lịch trọng điểm mang tầm quốc gia với sáu phân khu lớn có tổng diện tích 52.200ha với tổng số phòng lưu trú lên đến 5.900 phòng, có thể đón đón 1,6 – 2 triệu lượt khách vào năm 2030 và 2,5 – 3 triệu lượt khách vào năm 2035.
Trong đó, phân khu du lịch vịnh Ngòi Hoa – Thung Nai – Suối Hoa thuộc huyện Cao Phong và Tân Lạc sẽ trở thành khu trung tâm dịch vụ du lịch của khu du lịch hồ Hoà Bình, với diện tích đất xây dựng các khu chức năng khoảng 1.100ha, quy mô lưu trú khoảng 3.000 – 3.100 phòng.
Cũng theo quy hoạch chung xây dựng khu du lịch quốc gia hồ Hoà Bình, các tuyến giao thông được định hình một cách rõ ràng. Tuyến cao tốc Hoà Bình – Mộc Châu quy mô bốn làn xe sẽ được đầu tư mới; hoàn thiện giai đoạn hai đường cao tốc Hoà Lạc – Hoà Bình, quy mô bốn làn xe; nâng cấp cải tạo quốc lộ 6 và hệ thống đường tỉnh 432, 435, 450. Tuyến đường du lịch ven lòng hồ kết nối các điểm du lịch, các vị trí bến thuyền sẽ được đầu tư xây dựng. Trung tâm các khu vực phát triển du lịch đầu tư hệ thống đường giao thông nội bộ mới, kết nối thuận tiện ra các tuyến ngoại.
Ông Nguyễn Thành Trung, Tổng giám đốc Archi Group nhận xét, hồ Hoà Bình hội tụ đầy đủ tiềm năng phát triển, từ vị trí, giao thông, văn hoá, ẩm thực, tâm linh, thiên nhiên cực kỳ lý tưởng cho việc phát triển một khu du lịch tầm cỡ quốc gia. Ông so sánh hồ Hoà Bình với hồ Garda ở phía Bắc nước Ý. Hồ này cách thành phố Milan khoảng 120km và là trung tâm du lịch cực kỳ nổi tiếng của cả châu Âu; trong khi hồ Hoà Bình chỉ cách trung tâm Hà Nội 1,5 tiếng lái xe, cùng với những tiềm năng sẵn có cũng hoàn toàn có khả năng trở thành địa điểm du lịch lý tưởng.
“Du lịch hồ Hoà Bình sẽ bùng nổ”, ông Trung tự tin khẳng định về triển vọng phát triển của khu du lịch này. Thực tế, hồ Hòa Bình thu hút hàng trăm nghìn lượt khách mỗi năm, đặc biệt đông đúc vào mùa xuân và những ngày cuối tuần. Các điểm tham quan nổi bật như động Thác Bờ hay vịnh Ngòi Hoa là những nơi không thể bỏ qua. Ngoài ra, những bản làng của người Mường và người Thái là những kho tàng văn hóa đang chờ được khám phá. Du khách có thể tham gia vào các hoạt động trải nghiệm văn hóa, như tham gia lễ hội truyền thống đền Chúa Thác Bờ hay lễ hội cá tôm sông Đà bắt đầu thu hút sự chú ý của du khách.
Nhưng thật khó để tưởng tượng rằng một nơi có tiềm năng du lịch lớn và được quy hoạch là khu du lịch quốc gia như hồ Hòa Bình lại thiếu vắng những khách sạn sang trọng, khu nghỉ dưỡng cao cấp hay các tiện ích giải trí hấp dẫn. Xung quanh hồ hiện chỉ có vài dự án du lịch quy mô nhỏ như là Làng Ba Khan, Mai Châu Hideaway và các homestay trong bản.
Hồ Hoà Bình đứng trước cơ hội vàng để trở thành một trong những điểm đến du lịch hàng đầu của Việt Nam nhưng tầm vóc này chỉ có thể đạt được khi có sự đầu tư mạnh mẽ, chiến lược phát triển đồng bộ và sự đồng lòng từ cả chính quyền và cộng đồng doanh nghiệp.
Cho đến nay, khu du lịch hồ Hoà Bình đã thu hút 16 dự án du lịch với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 3.300 tỷ đồng, tổng diện tích đất sử dụng khoảng gần 1.450ha. Tuy nhiên, hầu hết các dự án vẫn nằm trên giấy bởi để được phê duyệt đầu tư, dự án phải trải qua quy trình phê duyệt chặt chẽ liên quan đến việc phù hợp với quy hoạch chung và quy hoạch phân khu cũng như các tiêu chuẩn khắt khe về bảo vệ môi trường sinh thái.
Một trong những dự án lớn tại khu du lịch Hồ Hòa Bình có thể kể đến như Shoshin Bình Thanh WorldHotels Spa & Resort tại xã Bình Thanh, huyện Cao Phong. Dự án này được xây dựng trên diện tích đất gần 13ha và được thiết kế với 225 căn biệt thự nghỉ dưỡng và nhà phố thương mại. Công ty CP Đầu tư du lịch Hoà Bình đã nâng vốn đầu tư cho dự án khu du lịch thiên nhiên Robinson từ 279 tỷ đồng lên 891 tỷ đồng, các hạng mục 2-3 sao trước đây cũng được nâng cấp lên 4-5 sao.
Bên cạnh đó, những chuyển động tích cực về việc cải thiện hạ tầng giao thông, như cao tốc Hoà Bình – Mộc Châu vừa được khởi công xây dựng vào tháng 9/2024, nâng cấp đường 435 nối Bình Thanh với vịnh Ngòi Hoa và các tuyến đường kết nối các quốc lộ đến lòng hồ, đang kích thích các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện thủ tục pháp lý để triển khai các dự án du lịch nghỉ dưỡng tầm cỡ, góp phần hiện thực hoá quy hoạch khu du lịch quốc gia hồ Hoà Bình.