Trụ sở mới sử dụng đã bỏ hoang
Khu kinh tế Cửa khẩu Cầu Treo (huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh ) có diện tích gần 57ha, được thành lập, hoạt động vào năm 2007. Nơi đây từng được xem là vị trí chiến lược phát triển kinh tế trọng điểm ở vùng biên giới và trở thành điểm sáng thu hút đầu tư khi là khu phi thuế quan với hàng loạt ưu đãi về chính sách tài chính, đầu tư.
Đến tháng 9/2016, khi Luật thuế xuất nhập khẩu số 107 có hiệu lực, Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo không còn là khu phi thuế quan, doanh nghiệp không được hưởng các chính sách thuế đối với hàng hóa, dịch vụ như trước. Từ đó hạ tầng tại khu cửa khẩu xuống cấp nghiêm trọng, nhiều trụ sở, toà làm việc bỏ hoang. Ghi nhận tại tại Cổng B, nơi điểm đầu của khu kinh tế trở nên trầm lắng. Đặc biệt, tại đây có hàng loạt trụ sở còn mới, được xây dựng khang trang nhưng nay bỏ hoang.
Trụ sở đang bỏ hoang tại Khu kinh tế Cửa khẩu Cầu Treo.
Cụ thể toà nhà 4 tầng được đầu tư với nguồn vốn hàng chục tỷ đồng tại xã Sơn Tây, huyện Hương Sơn. Công trình này trước đây là nơi làm việc của ngành Hải Quan Hà Tĩnh. Tuy nhiên vừa mới sử dụng được một thời gian thì tháng 6/2018, Chi cục Hải quan Khu kinh tế cửa khẩu Cầu Treo chính thức bị giải thể. Nguồn nhân lực bị điều động, luân chuyển đến đơn vị trực thuộc khác, trụ sở này sau đó bị bỏ hoang.
Nằm đối diện là trụ sở làm việc liên ngành, khu vực Cổng B, tổng mức đầu tư hơn 25 tỷ đồng cũng trong tình trạng bỏ hoang. Một công trình khác cũng trong tình trạng không còn hoạt động là dự án cổng kiểm soát giữa khu kinh tế và nội địa (Cổng B) được hoàn thành năm 2010. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 11 tỷ đồng.
Hiện nay dự án này không còn sử dụng, một số hạng mục đã xuống cấp. Theo tìm hiểu của Tiền Phong, thời gian qua, ngành chức năng cũng đưa ra phương án giao cho UBND huyện Hương Sơn quản lý, sử dụng trụ sở trên, song địa phương không có nhu cầu nên trụ sở vẫn đang bỏ hoang. Ngoài huyện Hương Sơn, một số trụ sở của các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn cần phải rà soát, xử lý như tại huyện Can Lộc trụ sở Ban Chỉ huy Quân sự huyện gần chục năm bỏ không…
Loay hoay xử lý
Giai đoạn 2019-2021, Hà Tĩnh là một trong những địa phương thực hiện việc sắp xếp 80 đơn vị hành chính cấp xã, giảm 46 xã. Cũng từ đó, nhiều trụ sở đến nay chưa có phương án giải quyết. Điển hình như năm 2020, 3 xã Thạch Lâm, Thạch Hương , Thạch Tân của huyện Thạch Hà sáp nhập thành xã Tân Hương Lâm. Từ đó, trụ sở của xã Thạch Lâm, Thạch Hương cũ bị bỏ hoang. Trong đó trung tâm hành chính của xã Thạch Hương (cũ) có diện tích rộng hàng nghìn m2, gồm 2 dãy nhà hai tầng cùng hội trường khang trang được xây dựng vào năm 2018 với nguồn vốn 8 tỷ đồng. Song vừa đưa vào sử dụng chưa được 2 năm, thì bỏ hoang.
Năm 2020, xã Lưu Vĩnh Sơn (huyện Thạch Hà) được sáp nhập từ 3 xã là Thạch Lưu, Thạch Vĩnh và Bắc Sơn, trụ sở được đặt tại xã Thạch Vĩnh cũ. Sau gần 5 năm sáp nhập thành xã Lưu Vĩnh Sơn , hai trụ sở hành chính xã Thạch Lưu và Bắc Sơn hiện đang bỏ hoang, xuống cấp.
Tại huyện Vũ Quang, hơn một thập kỷ, Trường THCS Hương Quang bỏ hoang, chưa một lần đón học sinh dù đã được đầu tư hơn 16 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách. Dự án hoàn thành và bàn giao cho UBND xã Hương Quang (nay là xã Quang Thọ) vào năm 2013, song đến nay xuống cấp, không được sử dụng.
Được biết, thời gian qua, việc xử lý những trụ sở, tài sản công, đặc biệt là tài sản dôi dư sau sáp nhập được ngành chức năng lên phương án xử lý. Song đến nay đang gặp nhiều khó khăn.
Liên quan đến vấn đề này, theo Sở Tài chính Hà Tĩnh , trên địa bàn có 35 tài sản công của các cơ quan Trung ương, đã xử lý xong 15 tài sản, còn lại đang trong giai đoạn xử lý. Nguyên nhân chưa xử lý được là do các cơ sở nhà, đất thuộc nhóm này phụ thuộc phần lớn vào tiến độ phê duyệt phương án và xử lý của các Cơ quan trung ương. Điều này dẫn đến có một số cơ sở nhà đất, mặc dù địa phương đã đôn đốc, phối hợp và có văn bản có ý kiến kịp thời, tuy nhiên vẫn còn chậm trễ trong việc phê duyệt phương án sắp xếp, xử lý.
Cũng theo Sở Tài chính, qua rà soát thống kê về nhóm các cơ sở nhà, đất dôi dư thuộc các cơ quan, đơn vị, địa phương quản lý có 245 cơ sở nhà đất chưa hoàn thành xử lý.
Sở Tài Chính Hà Tĩnh cũng đưa ra nguyên nhân khiến chưa thể xử lý do có nhiều vướng mắc. Cụ thể như quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chưa được điều chỉnh kịp thời; Quy định hiện hành còn bất cập trong việc xác định đơn vị tổ chức bán; Một số nhà đất tổ chức bán sẽ không khả thi, không có người mua… Sở Tài chính cũng cho biết, thời gian tới sẽ tiếp tục tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn để xử lý các cơ sở nhà đất dôi dư trên địa bàn toàn tỉnh.