“Giá đất nhảy múa chưa từng thấy, rất kỳ lạ”, đây là nhận định của đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí (đoàn TP Hà Nội) khi thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế – xã hội sáng 26/10, theo chương trình kỳ họp thứ 8.
Theo đại biểu Nguyễn Anh Trí nhấn mạnh đã đến lúc Chính phủ cần tập trung các nhà khoa học, nhà kinh tế, nhà quản lý giỏi về đất đai để bàn giải pháp nhằm “chặn đứng” các bất cập về giá đất. “Nếu không kịp thời ngăn chặn các vấn đề về giá nhà đất, sẽ gây rất tiêu cực rất lớn, từ giá đất sẽ ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực khác, nhất là với sản xuất”, đại biểu Nguyễn Anh Trí lo ngại.
Theo đại biểu Nguyễn Anh Trí nhấn mạnh đã đến lúc Chính phủ cần có những giải pháp “chặn đứng” các bất cập về giá đất
Cũng về vấn đề này, đại biểu Tạ Thị Yên (đoàn Điện Biên) nhấn mạnh vấn đề công bằng trong cơ hội tiếp cận nhà ở, nhất là nhà ở đối với người có nhu cầu thực về nhà ở vẫn rất khó khăn trong thực thi do giá cả, cơ cấu chung cư nặng về nhà cao cấp, đắt tiền.
Theo nữ đại biểu, hiện thiếu nhà ở giá rẻ cho người thu nhập thấp, nhà ở xã hội, nhà tái định cư bỏ hoang phí trong khi tình trạng lũng đoạn, thổi giá, tạo sóng, đầu cơ đất đai, nhà ở vẫn tiếp diễn.
Trong khi đó, các luật mới được Quốc hội sửa đổi, bổ sung như Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở chậm ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành nên chưa phát huy hết hiệu quả như cử tri mong đợi.
Theo báo cáo của CBRE, trong quý III năm nay, thị trường bất động sản Hà Nội ghi nhận hơn 75% tổng nguồn cung mới đến từ phân khúc cao cấp. Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cũng ghi nhận tình trạng lệch pha trong nguồn cung sản phẩm nhà ở.
Cụ thể, trong 9 tháng năm nay, nguồn cung thị trường vẫn phân hóa mạnh, chủ yếu là căn hộ chung cư. Trong đó, phân khúc cao cấp và phân khúc hạng sang chiếm áp đảo. Thị trường “vắng bóng” hoàn toàn căn hộ thương mại giá bình dân, 100% nguồn cung căn hộ bình dân đến từ các dự án nhà ở xã hội.
Có những người chẳng làm gì cả, chỉ đi buôn bán bất động sản thôi mà giàu
Hôm qua (25/10), phát biểu tại hàng lang Quốc hội về vấn đề giá đất, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (đoàn TP Hồ Chí Minh) cho rằng giá nhà đất, càng ngày càng tăng cao, xa rời thực tế và dẫn đến hệ luỵ, nhiều người trẻ không thể tiếp cận được nhà.
“Khi nhìn bảng giá vài trăm triệu/m2, tôi “không hiểu những người mua đất đấy họ làm gì để bù lại, lấy lại số tiền đó”,
Theo đại biểu Lan, cần phải xem lại vấn đề đầu cơ. “Có những người chẳng làm gì cả, chỉ đi buôn bán bất động sản thôi mà giàu. Người này truyền tai người kia và cuối cùng đẩy giá nhà đất lên cao”, đại biểu Lan cho biết.
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (đoàn TP Hồ Chí Minh)
Ngay cả các công trình, dự án khi thu hồi đất để làm dự án không có chủ đầu tư nào mong muốn giá nhà đất nào mong muốn giá nhà đất cứ “tăng vù vù” như vậy, vì giá tăng cao sẽ dẫn đến tăng suất đầu tư, sau này sẽ rất khó bán, khó có lợi nhuận. Và chỉ có những người đầu cơ là vui mừng.
Vì vậy, cơ quan chức năng cần phải xem lại chính sách thuế, với những người có 2-3 bất động sản trở lên và mua đi bán lại như vậy liệu có phù hợp hay không? Bà Lan khẳng định cần phải đánh thuế để hạn chế tình trạng này.
“Chúng ta chưa thể thay đổi quan niệm của người dân là “sống phải có nhà, chết phải có mồ. Nhiều khi nhìn rất tội, lương thì thấp nhưng có khi nghe nói chỗ này chỗ kia đất rẻ là đi vay mượn, cố để mua rồi đi trả nợ rất cực. Tính ra mỗi tháng số tiền trả nợ còn vượt xa nhiều so với số tiền thuê nhà”, bà Lan nói thêm.
Bà Lan cho rằng nhiều người không nghĩ vậy và họ cố gắng để có bất động sản của riêng mình, từ đó tạo sức ép lớn cho lực lượng lao động trẻ. Do đó, Nhà nước phải nghiên cứu để có những nguồn vốn để hỗ trợ nhằm ổn định xã hội như chính sách nhà ở xã hội.