Cám cảnh
Khu tái định cư Vĩnh Lộc B ở huyện Bình Chánh, TPHCM được người dân gọi là thành phố “ma” vì cư dân thưa thớt. Gần 13 năm trước, sau khi giải tỏa rạch Ụ Cây, kênh Ruột Ngựa và những hộ ở trong các dãy nhà lụp xụp bên kênh Tàu Hủ ở quận 8, huyện Bình Chánh, nhiều người dân được bố trí về khu tái định cư Vĩnh Lộc B. Sau 13 năm, khu dân cư này vẫn chưa được lấp đầy.
Được xây dựng trên 30,9 ha với 45 block chung cư, mỗi block cao 5 tầng, tổng cộng 1.939 căn hộ, 529 nền đất, thời điểm đó với tổng kinh phí hơn 1.000 tỷ đồng được coi cho là rất lớn. Thế nhưng, hiện tại nơi đây mới chỉ có 23/45 block có người ở, còn 22 block chung cư bỏ trống.
“Việc quản lý và xử lý các công trình bỏ hoang là một vấn đề phức tạp, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa nhiều cơ quan và đơn vị. Những giải pháp trên đòi hỏi sự quyết tâm và phối hợp chặt chẽ từ các cơ quan quản lý nhà nước, các chủ đầu tư và cộng đồng để đảm bảo sử dụng hiệu quả tài nguyên đất đai và thúc đẩy phát triển bền vững cho thành phố”.
TS Trần Quang Thắng, Viện trưởng Viện Kinh tế và Quản lý TPHCM
Dãy nhà A1, là mặt tiền sáng sủa của chung cư nhưng chỉ có khoảng chục căn hộ có người, còn lại vẫn im lìm cửa đóng then cài. Một người dân cho biết, nhiều người đã nhận nhà cả chục năm nay nhưng họ không về ở. Một số người có nơi ở mới nên giữ lại căn hộ để “làm vốn”, số khác thì bán lại vì ở nơi đây xa chỗ làm… Đầu năm 2022, UBND TPHCM quyết định bàn giao những lô chung cư bỏ trống ở khu tái định cư Vĩnh Lộc B cho Trung tâm Quản lý nhà và giám định xây dựng, Sở Xây dựng TPHCM quản lý.
Một ví dụ điển hình của lãng phí là 3.790 căn hộ tái định cư tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Đây là những căn hộ thuộc 5 tòa nhà chung cư đã xây dựng xong nhưng nhiều năm qua bị bỏ trống. Dự án tái định cư Bình Khánh (diện tích 38,4 ha, thuộc chương trình 12.500 căn hộ phục vụ tái định cư Khu đô thị mới Thủ Thiêm) hoàn thành năm 2015 nhưng đến nay các căn hộ vẫn cửa đóng then cài. Sau nhiều lần đấu giá thất bại, hàng nghìn căn hộ ở đây vẫn trong tình trạng bỏ trống và ngày càng xuống cấp. Nhiều hạng mục như hệ thống thoát nước và phòng cháy đã hư hỏng rất nhiều, trong khi gạch đá bong tróc ở hầu hết các bock chung cư…
Cách đó không xa là dự án Trung tâm triển lãm Thủ Thiêm. Đứng từ phía quận 1 nhìn sang, dự án này là một khối bê tông sừng sững trơ gan sau 10 năm xây dựng dở dang. HĐND TPHCM đã có ý kiến đề nghị làm rõ trách nhiệm và hướng xử lý đối với dự án “trùm mền” cả chục năm nay. Vào quý I/2013, dự án có tổng vốn đầu tư gần 800 tỷ đồng, do Ban Quản lý xây dựng Trung tâm triển lãm quy hoạch, thuộc Sở Quy hoạch – Kiến trúc TPHCM làm chủ đầu tư, được khởi công. Thời điểm đó, dự kiến dự án hoàn thành vào năm 2015. Thế nhưng khi mới thực hiện được khoảng 45% khối lượng công việc thì “trùm mền”, chưa biết đến ngày nào sẽ hoàn thành.
Chủ trương đấu giá
Tháng 5, khi Đoàn ĐBQH TPHCM làm việc với UBND TPHCM về tình hình kinh tế- xã hội và thực hiện Nghị quyết 98/2023, Nghị quyết 57/2022 của Quốc hội, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Huỳnh Thanh Khiết cho biết, TPHCM hiện có 8.938 căn hộ và 2.104 nền đất được tạo lập bằng ngân sách nhà nước, đang để trống, để dành. TPHCM đã có chủ trương đấu giá 4.969 căn hộ và nền đất, trong đó có 3.790 căn hộ tái định cư thuộc Khu đô thị mới Thủ Thiêm và gần 1.000 căn ở khu tái định cư Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh.
TS Trần Quang Thắng, Viện trưởng Viện Kinh tế và Quản lý TPHCM, cho biết, khu 3.790 căn hộ ở Thủ Thiêm thuộc dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm – một trong những dự án lớn và rất phức tạp tại TPHCM. Trách nhiệm quản lý dự án này thuộc về Ban Quản lý Đầu tư – Xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm và UBND TPHCM. Nhiều vấn đề liên quan đến giải phóng mặt bằng và tái định cư đã gây ra tình trạng bỏ hoang và chậm tiến độ đối với dự án này. “Các dự án bỏ hoang còn gây thiệt hại kinh tế lớn cho thành phố”, TS Thắng nói.
“Các công trình bỏ hoang có thể được cải tạo và tái sử dụng cho các mục đích khác như nhà ở xã hội, trung tâm văn hóa, hoặc cơ sở hạ tầng công cộng. Điều này không chỉ giúp giảm lãng phí mà còn góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân”- TS Thắng đề xuất.
Theo ông, các công trình bỏ hoang cũng làm xấu đi hình ảnh của thành phố, đặc biệt là tại khu vực trung tâm. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị mà còn làm giảm giá trị bất động sản xung quanh. “Các khu đất bị bỏ hoang đã làm chậm tiến độ phát triển đô thị, gây khó khăn cho việc quy hoạch và triển khai các dự án mới; đồng thời ảnh hưởng đến khả năng thu hút đầu tư và phát triển kinh tế của thành phố”, TS Thắng nhìn nhận.
Có thể chuyển đổi công năng
TS Bùi Thị Ngọc Trang, giảng viên cao cấp, nguyên Phó Giám đốc Học viện Cán bộ TPHCM, cho rằng, các cơ quan chức năng chuyên môn thành phố và địa phương cần tiếp tục tăng cường quản lý chặt chẽ thực trạng và việc sử dụng các cơ sở thuộc về tài sản công trên địa bàn. Song song đó, cần quan tâm tính toán mục tiêu sử dụng và khả năng về các nguồn lực khai thác sử dụng để từ có quy hoạch cụ thể việc xây dựng các công trình, dự án… đạt hiệu quả, tránh lãng phí kinh phí, thời gian, sức lực thi công xây dựng.
TS Thắng cho rằng, một giải pháp hiệu quả hiện nay là chuyển đổi công năng của các công trình bỏ hoang thành nhà ở xã hội hoặc nhà ở thương mại. Các khu đất bỏ hoang có thể được đưa vào đấu giá hoặc cho thuê để thu hút các nhà đầu tư mới có khả năng triển khai dự án. Điều này không chỉ giúp sử dụng hiệu quả đất đai mà còn tạo ra nguồn thu cho ngân sách nhà nước.