Bất an khi sống tại chung cư xuống cấp
Ghi nhận tại hiện trường, mặc dù là ban ngày nhưng ngay lối vào chung cư 137 Lý Thường Kiệt (Phường 7, quận Tân Bình, TP.HCM) luôn tối tăm, u ám. Đi qua lối vào, những bó dây điện chằng chịt xen kẽ mạng nhện, bụi bẩn bám đầy đem lại cảm giác thiếu an toàn.
Vào sâu bên trong, hình ảnh khu chung cư cũ kỹ, xập xệ hiện ra với nhiều vết nứt ngang dọc, vết vỡ lô cốt thép hay những mảng bám ố vàng, loang lổ trên tường. Giếng trời giữa chung cư không có mái che, nước mưa rơi thẳng xuống khu vực để xe máy phía dưới. Tình trạng xuống cấp, lộn xộn, xe cộ bừa bộn ở chung cư thường xuyên diễn ra trong khi các thiết bị phòng cháy chữa cháy đều đã cũ kỹ, hỏng hóc mà chưa được thay mới.
Quanh cửa chính căn hộ của bà Trịnh Thị Phương Trang có nhiều vết ố vàng loang lổ, trần nhà bị nước thấm xuống nên gia đình phải căng một tấm bạt để che, một đầu của bạt được luồn qua cửa sổ để ngăn nước chảy vào trong nhà. Một số căn hộ khác cũng bị hư hỏng, những mảng xi măng trên tường thường xuyên rơi xuống. Những gia đình đã gọi thợ sửa vài lần nhưng được một thời gian thì đâu lại vào đó. Hệ thống thoát nước từ cửa chung cư ra cống ngoài đường đã hỏng từ lâu nên cứ mưa là các nhà ở tầng trệt bị ngập tận vào bên trong.
“Nước trong toilet ở trên lầu nó dội xuống, không thoát ra ngoài được thì sẽ ngập trong toilet của nhà nào ở tầng trệt, vài ba tháng sẽ bị nghẽn. Ở ngoài đường rác lấp vào cái cống bự rồi mình bị tắc nghẽn. Mưa xuống nước thấm vào tường nước mà ở trong tường rỉ ra đó nó dính vào da thịt mình nó sẽ làm cho mình ngứa. Chúng tôi phải lấy bao ni lông rồi hứng ở dưới coi nó nhỏ giọt chỗ nào thì mình lấy thau hứng dưới đó. Ngay cả khi nắng 5-10 ngày thì mùi ẩm mốc của cái tường vẫn còn rất khó chịu” – bà Trịnh Thị Phương Trang nói.
Chung cư 137 Lý Thường Kiệt được xây dựng trước năm 1975. Đến năm 2018, UBND quận Tân Bình ra thông báo kết quả kiểm tra đánh giá mức độ nguy hiểm của chung cư thuộc cấp D, tức là khả năng chịu lực của kết cấu không thể đáp ứng nhu cầu sử dụng bình thường, nhà xuất hiện tình trạng nguy hiểm tổng thể. Sau đó vài tháng, UBND quận Tân Bình thông báo, các hộ dân nơi đây phải di dời khẩn cấp chuyển sang nơi ở mới.
Người muốn đi, người mong ở lại
Khi biết tin sắp được di dời, không ít người dân sống tại khu chung cư xuống cấp này cảm thấy háo hức. Tuy vậy đến nay, đã 5 năm trôi qua, họ vẫn chưa được chuyển tới chỗ ở mới. Cuối năm 2022, một số cư dân gặp Ban quản lý chung cư, đồng thời gửi đơn kiến nghị lên UBND quận mong sớm được di dời.
“Dự án di dời đã có, được nghe từ lâu nhưng tôi chưa được di dời. Chỉ nghe người này nói người kia nói qua nói lại thôi chứ còn trả lời và bằng văn bản thì chưa thấy. Bây giờ tôi muốn tôi mong muốn Nhà nước hỗ trợ có dự án di dời sớm để bà con được đi, từ đó mới yên tâm sống, chứ bây giờ chờ đợi lâu quá” – bà Trang cho biết thêm.
Trong khi đó, một số người dân sống trên tầng cao cảm thấy không hài lòng biết tin phải chuyển dời sang nơi ở mới. Những người này đều lo ngại, khi chuyển đến nơi ở mới không quen chỗ lạ rồi chẳng quay lại được. Cùng với đó, có cư dân sợ bị mất quyền lợi, không biết có được đền bù thỏa đáng hay không, chỗ tạm cư có ở được lâu không, biết đâu sau này lại phải tiếp tục chuyển ra chỗ khác.
Bà Huỳnh Thị Gái (68 tuổi, cư dân sống trên lầu 3) chia sẻ, bà đã chuyển về ở chung cư 137 Lý Thường Kiệt từ năm 1978. Sống tại đây đã hơn nửa đời người, bà Gái đã quen với nhiều người và nếp sống, sinh hoạt nơi đây; con cháu đều học hành làm việc ở gần nên bà muốn gắn bó, không muốn đến chỗ ở mới.
“Tôi mong muốn được sửa lại để ở thôi chứ không cần đi đâu hết. Còn nếu nhà nước không sửa lại thì vài năm nữa sẽ rời đi. Ở đây gần chợ gần đò, con cái đi học thuận tiện, tôi sống ở đây lâu đã quen với nơi này” – Bà Huỳnh Thị Gái bày tỏ nguyện vọng.
Theo thông báo của cơ quan chức năng, chung cư 137 và chung cư 149-151 Lý Thường Kiệt (Phường 7, quận Tân Bình) đều thuộc chung cư cấp D, được tổ chức di dời và bố trí tạm cư tại Lô 1, khu A chung cư Phú Thọ (Phường 15, Quận 11).
Nguyên nhân chưa thể di dời theo thông báo cách đây 5 năm là do địa điểm tái định cư mới vẫn chưa hoàn thành. Theo ông Lâm Thanh Tùng – Phó Trưởng phòng Quản lý nhà và công sở (Sở Xây dựng TP.HCM), Trung tâm quản lý nhà và Giám định Xây dựng đã sửa chữa xong các căn hộ để người dân về ở. Tuy nhiên, toàn bộ chung cư vẫn chưa được hoàn thành do vướng về thủ tục:
“Khu vực diện tích sử dụng chung vẫn chưa được phân bổ về cho trung tâm do Quyết định về xác lập sở hữu nhà nước. Sở Xây dựng cũng đã trình UBND Thành phố và Ủy ban TP đã giao cho Sở Tài chính để có ý kiến. Ngày 30/10, Sở Tài chính đã trả lời và Sở Xây dựng đang tổng hợp. Riêng việc sửa chữa phần sở hữu chung của chung cư Phú Thọ, Sở Xây dựng đã có văn bản báo cáo UBND TP giao toàn bộ phần diện tích sử dụng chung của các chung cư mà trung tâm đang quản lý để giao về cho trung tâm sửa chữa luôn, không cần chờ Quyết định xác lập sở hữu nữa” – Ông Lâm Thanh Tùng lý giải.
Những hình ảnh tại chung cư 137 Lý Thường Kiệt:
Theo báo cáo của Sở Xây dựng, hiện nay, trên địa bàn TP.HCM có 16 chung cư hư hỏng và nguy hiểm thuộc dự án chung cư cấp D với tổng cộng 1.194 căn hộ. Trong đó, có 318 căn thuộc sở hữu nhà nước và 876 căn thuộc sở hữu của tư nhân. Đến nay, Thành phố đã di dời được 674/1194 căn hộ. Trong đó, 454 hộ dân tại 8/16 chung cư được di dời toàn bộ; 220/466 hộ tại 4/16 chung cư được di dời dở dang và chưa di dời là 4/16 chung cư.
Cũng giống như việc chuyển dời chỗ ở cho người dân tại 2 chung cư cũ trên đường Lý Thường Kiệt, nguyên nhân khiến các hộ dân tại một số chung cư cấp D chưa thể thực hiện là do việc bố trí quỹ nhà ở mới để các hộ dân tạm cư vẫn chưa được đảm bảo. Sở Xây dựng đã đề xuất UBND Thành phố giao toàn quyền sửa chữa các chung cư tái định cư mới cho những người dân đang sống dưới những chung cư cũ và tiềm ẩn nguy hiểm.