Gỡ điểm nghẽn hạ tầng giao thông cản trở phát triển Kinh tế – Xã hội
Đề xuất xây dựng tuyến đường sắt nhẹ của Tập đoàn Sun Group được cho là ý tưởng đột phá trong bối cảnh TP.HCM đang tập trung nguồn lực ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông. Trong đó, việc đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm, có tính chất liên vùng kết nối TP.HCM với các địa phương trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam cũng như Đông Nam bộ là cấp thiết. Điều này không chỉ phục vụ phát triển kinh tế xã hội TP.HCM mà là động lực cho phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội của vùng và cả nước.
Tại TP.HCM, Nghị quyết 31-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nhận định, tiềm năng, lợi thế của thành phố chưa được khai thác hiệu quả. Tính vượt trội, sự năng động, sáng tạo, vai trò đầu tàu, động lực, dẫn dắt đối với vùng và cả nước có chiều hướng suy giảm, kinh tế tăng trưởng chậm, năng lực cạnh tranh quốc tế còn thấp.
Những hạn chế, khuyết điểm, vướng mắc chưa được giải quyết dứt điểm thì nhiều khó khăn, thách thức mới phát sinh, trở thành “điểm nghẽn” cản trở sự phát triển của thành phố. Đó là kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội phát triển tiến chậm và thiếu đồng bộ; quy hoạch, quản lý đô thị, sử dụng đất đai còn nhiều hạn chế, yếu kém; giao thông nội đô và liên vùng quá tải, ùn tắc… Những điểm nghẽn này kìm hãm sự phát triển của TPHCM, đồng thời lan tới cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam cũng như cả nước.
Ông Nguyễn Trọng Hoài – Tổng biên tập Tạp chí Nghiên cứu Kinh tế và Kinh doanh châu Á (Jabes) từng cho biết, nền kinh tế vùng Đông Nam bộ có độ mở cao nhưng cơ sở hạ tầng giao thông liên kết vùng chưa kết nối đồng bộ. Đặc biệt, TP.HCM là nơi có đóng góp thu ngân sách cao nhưng các hệ thống giao thông vành đai kết nối vùng chưa hoàn chỉnh và chậm tiến độ.
“TP.HCM là một siêu đô thị hơn 10 triệu dân, mặc dù có nhiều nỗ lực đóng góp về ngân sách nhưng cơ sở hạ tầng giao thông được xếp hạng sau Bình Dương và Đồng Nai. Địa phương đang đối diện với các tắc nghẽn và chi phí logistics cao, cạnh tranh dịch vụ và công nghiệp có chiều hướng đi xuống khi Vành đai 2 chưa khép kín, Vành đai 3 dài 90 km đang triển khai và Vành đai 4 dài 196 km chưa triển khai”, ông Hoài đánh giá.
Sự thiếu đồng bộ về cơ sở hạ tầng cứng đã hạn chế những thế mạnh tiềm năng vốn có của TP.HCM nói riêng và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói chung. Điều này dẫn đến không chỉ tốc độ tăng trưởng của TP.HCM mà tốc độ tăng trưởng của vùng cũng đang có chiều hướng chững lại và đi xuống trong những năm gần đây. Trong khi, theo chuyên gia, nền kinh tế Việt Nam phụ thuộc rất nhiều vào khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam. Chỉ cần tăng 10% chất lượng hạ tầng tại khu vực kinh tế trọng điểm này thì sức hút đầu tư sẽ tăng lên tới 24%, đời sống người dân tăng lên nhanh chóng.
Ông Nguyễn Trọng Hoài cho rằng, nền kinh tế vùng có độ mở cao nhưng hạ tầng giao thông chưa phát triển đồng bộ nên kết nối chuỗi cung ứng nội vùng và ngoại vùng gặp nhiều khó khăn do ách tắc và quá tải dẫn đến chi phí logistics cao, ảnh hưởng đến chi phí hoạt động của doanh nghiệp. Các hệ thống giao thông vành đai kết nối chưa hoàn chỉnh và chậm tiến độ.
Ước tính mỗi năm, tình trạng ùn tắc giao thông khiến TP thiệt hại khoảng 6 tỉ USD. Ách tắc là nguyên nhân chính khiến chi phí vận chuyển hàng hóa trong khu vực phía Nam cao hơn so với đi các nước làm giảm tính cạnh tranh về giá của hàng hóa xuất khẩu, ảnh hưởng lớn đến kinh tế của TPHCM cũng như toàn vùng. Là đầu tàu kinh tế của cả nước nhưng hạ tầng kết nối TP.HCM với các tỉnh, thành Nam Bộ hay các nước trên hành lang kinh tế Đông – Tây còn khá hạn chế.
Nên làm thêm 20-30 km, kéo trục đại lộ, đường sắt LRT từ TPHCM đến thẳng cửa khẩu quốc tế Mộc Bài
Riêng trục kinh tế, du lịch ven sông Sài Gòn kéo dài từ Tây Ninh, qua Củ Chi, đến Thành phố gần như còn “bỏ ngỏ”, không được đầu tư. Trong khi đó, đây là tuyến du lịch tiềm năng có tính kết nối mật thiết tới vùng đất thánh Tây Ninh – điểm đến du lịch hút khách hàng đầu Đông Nam Bộ như núi Bà Đen, Hồ Dầu Tiếng, Tòa Thánh Tây Ninh, Tháp Cổ Bình Thạnh, Vườn Quốc Gia Lò Gò – Xa Mát…
Dù sở hữu nhiều danh thắng du lịch, có giá trị văn hóa cao, nhưng việc đi lại từ TP HCM tới Tây Ninh khó khăn làm giảm lượng khách du lịch. Tây Ninh còn có cửa khẩu quốc tế Mộc Bài. Đây là cửa khẩu đường bộ lớn nhất ở phía Nam giữa Việt Nam và Campuchia, và là cửa ngõ quốc tế tới các nước trong khu vực ASEAN. Campuchia là một trong 10 thị trường có lượng khách quốc tế đến Việt Nam nhiều nhất trong 9 tháng đầu 2024. Việt Nam cũng đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ 2 của Campuchia trên thị trường quốc tế sau Trung Quốc.
Không chỉ đường bộ, lợi thế đường thủy – sông Sài Gòn chạy qua các tỉnh Vùng Đông Nam Bộ chưa được khai thác, chưa tối ưu. Theo Sở Quy hoạch – Kiến trúc TPHCM, hệ thống sông ngòi, kênh, rạch của thành phố, đặc biệt là sông Sài Gòn có nhiều tiềm năng khai thác phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch. Trong khi đó, thành phố định hướng kinh tế dịch vụ là mũi nhọn tăng trưởng, là ngành đem lại giá trị cộng thêm cho nền kinh tế và bảo tồn hệ sinh thái đô thị. Nhưng thực tế, TPHCM hiện chưa thiết lập được nhiều hệ thống tiện ích và không gian dịch vụ công cộng, không gian cảnh quan dọc bờ sông Sài Gòn nên chưa khai thác được hiệu quả lợi thế về thương mại, dịch vụ, du lịch.
Để trở thành một đô thị toàn cầu, theo các chuyên gia trong thời gian tới TP.HCM cần đầu tư hạ tầng kết nối liên vùng – đây là điểm rất quan trọng; phát triển hạ tầng tân tiến, hiện đại theo xu hướng quốc tế để cải thiện kết nối nội thị và liên vùng đến các đô thị vệ tinh xung quanh hay thậm chí là khu vực” – ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) nhấn mạnh.
Hệ thống đại lộ 8-10 làn xe và đường sắt nhẹ (LRT) TPHCM- Tây Ninh đang được đề xuất xây dựng được đánh giá là giải pháp mang tính đột phá cho TPHCM và cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Đường sắt nhẹ LRT với ưu điểm có thể xây dựng trên đa dạng loại hình (trên cao, mặt đất, chạy ngầm), không cần xây rào chắn giúp tối ưu chi phí đầu tư. Là phương tiện giao thông chạy bằng điện, đường sắt nhẹ (LRT) còn được mệnh danh là phương tiện “giao thông xanh”, bởi không xả khí thải carbon ra môi trường. Đây là phương tiện giao thông tốc hành, có khả năng thúc đẩy và kết nối với các phương tiện giao thông đường bộ khác, thuận tiện trong di chuyển. Bên cạnh đó, LRT còn có thể kết hợp được các trải nghiệm du lịch ngắm cảnh.
Theo đánh giá, nếu được đưa vào quy hoạch và triển khai, tuyến đường sắt nhẹ LRT sẽ bổ sung thêm loại hình giao thông mới (cùng với đường thủy, đường bộ), hoàn chỉnh hành lang phát triển kinh tế, du lịch Vùng Đông Nam Bộ, mở rộng hoạt động giao thương giữa TP.HCM với Bình Dương, Tây Ninh. Điều này góp phần giảm áp lực giao thông cho tuyến đường bộ hiện hữu, giảm tình trạng kẹt xe, thêm nhiều lựa chọn hơn cho người dân, du khách. Khi đi vào hoạt động, tuyến đường sắt hạng nhẹ mới sẽ kết nối TP.HCM với các điểm đến hấp dẫn của Tây Ninh như Núi Bà Đen, thúc đẩy du lịch Tây Ninh phát triển.
“Theo nguyên tắc chung, giao thông phát triển đến đâu sẽ tạo điều kiện phát triển kinh tế – xã hội, người dân được lợi tới đó. Nếu vẫn còn tình trạng kẹt xe, ùn tắc, sẽ khó thu hút đầu tư, hạn chế phát triển. Giao thông kết nối TPHCM và các khu vực xung quanh tốt không chỉ tạo điều kiện phát triển cho TPHCM mà còn tạo động lực phát triển cho cả một vùng kinh tế Đông Nam Bộ. Chính vì vậy, cần có một cái nhìn dài hạn để đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông kết nối TPHCM với các địa phương lân cận. Trong đó, cần sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ, sự chung tay góp sức của nguồn vốn xã hội hóa đến từ các Tập đoàn lớn”, KTS-TS Võ Kim Cương, nguyên Phó kiến trúc sư trưởng TP.HCM cho biết.
“Đề xuất xây dựng tuyến đường sắt nhẹ với chiều dài gần 100km kết nối thẳng tới Tây Ninh của Tập đoàn Sun Group sẽ giúp việc đi lại, giao thương của người dân TP.HCM với Tây Ninh và các tỉnh dọc sông Sài Gòn thuận lợi. Nếu làm thêm 20-30km nữa, đưa cả tuyến đại lộ 8-10 làn xe và đường sắt nhẹ kết nối TPHCM – Tây Ninh và đến thẳng cửa khẩu quốc tế Mộc Bài sẽ tạo đà để phát triển du lịch, thông thương, phát triển kinh tế”, ông Cương khẳng định.